Văn hóa người Việt trên đất Mỹ

Du học Mỹ mang đến cho người trẻ nhiều cơ hội để trải nghiệm, tiếp xúc và học hỏi bạn bè đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, để thấy bản thân trưởng thành sau mỗi chuyến đi xa. Nhưng du học Mỹ cũng để lại băn khoăn, đặc biệt với các bậc làm cha mẹ: Liệu nơi phương trời Mỹ ấy, những đứa con của họ có trở thành một con người xa lạ với văn hóa Việt? Liệu nếp sống sinh hoạt cổ truyền và đáng quý của người Việt có dễ dàng bị lãng quên?

Nét truyền thống trong gia đình Việt

Trong văn hóa của người Việt, gia đình là một trong những điều quan trọng nhất. 2 tiếng “Gia đình” không dừng lại ở khái niệm nơi ăn chốn ở nữa mà còn là những lễ nghi, tiếng nói và cách đối nhân xử thế giữa các thế hệ.

Sống xa quê hương khoảng cách hơn 20 giờ bay, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác nhau, giao tiếp bằng ngôn ngữ khác nhau, Việt kiều tại Mỹ luôn biết các giữ gìn những truyền thống, văn hóa trong từng hành động. Có câu: “ Bên ngoài kiểu Mỹ, ở nhà kiểu Việt”.

Việt kiều trẻ luôn ý thức được việc gìn giữ tiếng Việt nhờ công dạy dỗ của các bậc phụ huynh. “Trong gia đình, cha mẹ muốn anh chị em chúng tôi chỉ nói tiếng Việt. Mẹ tôi nấu các món ăn VN, cho chúng tôi nghe và xem những bộ phim, bài hát tiếng Việt”, Khanh Nguyễn, viên chức Tổng lãnh sự quán Mỹ, chia sẻ.

Ngôn ngữ Việt, những món ăn Việt, sự đảm đang, lo toan của người phụ nữ Việt, sự ân cần, hi sinh thầm lặng cho con chính là những điều khiến dù nơi nước Mỹ xa xôi, có một Việt Nam rất riêng được nuôi dưỡng trong tâm trí của những cô cậu bé người Mỹ gốc Việt.

Nét truyền thống trong khu chợ Việt

Tại Mỹ, cộng đồng người Việt đang ngày càng mở rộng thì chợ Việt cũng hình thành để đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa với nhau, đặc biệt là các loại hàng hóa “made in Viet Nam”.  Những cái tên thuần Việt như: chợ Á Đông, chợ Hòa Bình, chợ Lớn, chợ Bến Thành, chợ Thuận Phát… bày bán nhiều mặt hàng mà người Việt Nam nói riêng, người Châu Á nói chung ưa chuộng.

Có những chợ hoàn toàn do người Việt bỏ vốn và làm chủ, còn nhân viên trong chợ chủ yếu là người trong gia đình, hoặc là người Việt Nam. Cũng như các chợ ở quê nhà, những mặt hàng như thực phẩm, đồ gia dụng, vàng bạc, cau trầu, nhang đèn, chổi, hoa quả, gia vị, tôm cá, hay các món làm sẵn đều có trong Chợ Việt Nam ở Mỹ.

 

Vào dịp cuối tuần, khi ghé vào các ngôi chợ Việt Nam sẽ thấy rõ sự nhộn nhịp và thật sự cảm nhận được nếp sinh hoạt của người Việt trên đất Mỹ. Điều làm ai cũng muốn đi chợ Việt chính là người Việt nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, cảm thấy sự thoải mái, gần gũi như đang sống tại quê nhà.

Đi chợ Việt giữa lòng nước Mỹ là một cảm xúc khó tả gợi nhớ quê hương đất nước, về những giá trị văn hóa truyền thống.

Nét truyền thống trong những ngày Tết

Dẫu không thể sánh với lễ hội Tết ở quê nhà, cả về qui mô lẫn số người tham dự, nhưng không khí đón Tết của kiều bào Việt Nam ở Mỹ cũng nhộn nhịp vô cùng với những màn múa lân vui nhộn, những tràng pháo nổ rộn rã, tưng bừng, những trò chơi dân gian đặc sắc và những tiếng cười náo nức...

Vào những ngày cuối tuần, các nhà hàng hầu như không còn chỗ trống vì các tổ chức, hội đồng hương... đều tiến hành họp mặt tất niên. Trước Tết cả chục ngày, chợ hoa phía trước khu thương mại Phước Lộc Thọ trên đại lộ Bolsa (Little Saigon, Los Angeles) đã tấp nập người đến mua sắm. Tại đây có bán đủ các loại hoa, bánh mứt và mặt hàng Tết, gần như không thiếu thứ gì.

Trong khi đó tại quận Santa Clara, lễ hội được tổ chức với ca sĩ nổi tiếng biểu diễn, các điệu múa rồng, lân, các cuộc thi sắc đẹp và bán các mặt hàng đặc trưng ngày Tết. Những con phố trung tâm của San Jose tràn ngập sắc đỏ của cờ và đèn lồng. Đâu cũng thấy bóng dáng của tà áo dài ngày tết, cũng thấy sắc vàng của mai, sắc hồng của đào.

Vẫn phải đảm bảo lịch làm việc theo giờ Mỹ nơi xứ Người, nhưng cái cách mà phiên chợ Tết với đầy đủ các món ăn, cây đào, cây quất, không khí thiêng liêng của thời khắc giao thừa giữa trời Mỹ là minh chứng cho sức sống của những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Việt khắp mọi miền.

Tôi rất ấn tưởng với chia sẻ của một du học sinh: Đi du học không chỉ để tiếp thu những nền văn hóa mới,  mà là để đem những giá trị, bản sắc văn hóa, nét đẹp trong chính con người mình đến năm châu. Du học Mỹ, hay đi bất cứ đâu, thì hãy cứ đi, vì dù ở đâu, bạn vẫn là người con đáng tự hào của Việt Nam.