KINH NGHIỆM CHỨNG MINH TÀI CHÍNH CHO HỒ SƠ DU HỌC

 

Khi hoàn thiện hồ sơ du học, ngoài hồ sơ học tập, làm việc, nhân thân,… thì hồ sơ chứng minh tài chính là một trong mấu chốt quan trọng để lãnh sự cấp visa cho du học sinh bởi phải có tài chính bạn mới có thể chi trả cho mọi chi phí ở những quốc gia đắt đỏ hơn Việt Nam. Tuy nhiên, việc không hiểu đúng cách xét duyệt hồ sơ tài chính đã khiến nhiều bạn có lựa chọn không phù hợp với bản thân và trượt visa một cách đáng tiếc. Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế về chứng minh tài chính du học giúp bạn có thêm thông tin chuẩn bị hồ sơ tốt hơn.

1.      LƯU Ý 1: Chứng minh thu nhập của người bảo lãnh

Mình luôn nhận được câu hỏi từ học sinh “Bố mẹ em có thu nhập đến hàng trăm triệu mỗi tháng nhưng lại không có giấy tờ gì chứng minh, liệu có đi du học được không? Em nghĩ chỉ cần đủ tiền đi học là được chứ?”

Đúng! Vấn đề này đa số phụ huynh gặp phải vì thực tế họ kiếm được một số tiền không phải ít, nhưng không có một giấy tờ nào thể hiện điều đó. Hoặc là các khoản làm thêm ngoài hợp đồng, cho thuê tài sản, vì tránh nộp thuế nên không khai báo, hoặc là các khoản “lì xì” phong bì phong bao từ các mối quan hệ, các khoản chiết khấu trong công việc. Hoặc cũng có phụ huynh xếp ra hàng chục sổ đỏ, hai ô tô thể hiện tài sản gia đình rất “dồi dào” nhưng bạn nên hiểu “tài sản” khác với “tài sản phát sinh thu nhập”. Tài sản chỉ phát sinh thu nhập khi bạn bán hay cho thuê.

  • TƯ VẤN GIẢI PHÁP:

Lãnh sự xét hồ sơ dựa trên giấy tờ cung cấp, nếu bạn chỉ nói suông mà không có bằng chứng hay cơ sở thì khó có thể thuyết phục được viên chức lãnh sự. Hầu hết không ai có sẵn chứng từ vì họ thường tránh nộp thuế. Vì vậy, để có thể có chứng từ cho bô hồ sơ du học, bạn nên tìm hiểu thông tin, lên lộ trình du học từ sớm, từ đó khuyến khích người bảo lãnh lưu ý các giấy tờ hồ sơ này.

- Nếu người bảo lãnh có công ty thay vì lỗ thì nên có lãi, không có lãi thì lấy đâu ra tiền cho bạn đi du học. Và hãy ĐÓNG THUẾ.

- Nếu có hợp đồng lao động và đang nhận lương tiền mặt thì cố gắng bắt đầu trả lương qua tài khoản ngân hàng.

- Thay vì chỉ có lương thì nên có thêm các giấy tờ thu nhập khác: hợp đồng cho thuê nhà, cho thuê xe, thuê đất, tiền lãi cổ tức, tiền thưởng…. kèm theo giấy tờ đóng thuế để tăng tính thuyết phục

- Nếu thu nhập của bố mẹ không đủ, có thể THÊM người bảo lãnh là người thân trong gia đình, có mối quan hệ gần gũi như cô, dì, chú, bác, anh, chị…. Nhưng nên lưu ý thêm chứ không phải nguồn chính. Nhiều bạn nghĩ có người nhà bảo lãnh, thậm chí đó là họ hàng đang định cư ở chính nước bạn dự định du học là đủ. Thực tế là không đơn giản như vậy. Khá nhiều đơn từ chối visa lãnh sự ghi rõ, người thân của bạn đứng ra bảo lãnh, nhưng bản thân họ cũng có gia đình riêng và phải ưu tiên chi trả cho gia đình họ, hơn nữa khoản chi cho một du học sinh không phải là nhỏ. Và khi đó lãnh sự còn xét thêm rủi ro bạn không có ràng buộc quay về Việt Nam. Như vậy không chỉ không tốt cho hồ sơ, mà bạn lại thêm rủi ro bị từ chối nên khi lựa chọn người bảo lãnh bạn nên thực sự cân nhắc.

2.      LƯU Ý 2: Sổ tiết kiệm

Khi nộp hồ sơ chứng minh tài chính du học tại bất kỳ nước nào, sổ tiết kiệm là một thứ không thể thiếu. Nhiều bạn hỏi sổ tiết kiệm nên để bao nhiêu tiền là đủ? Không có yêu cầu cụ thể phải có bao nhiêu tiền, mỗi nước sẽ có một mức tham khảo về mức chi phí sinh hoạt, học phí trung bình cho một năm. Bạn phải có một kế hoạch tài chính hợp lý để thuyết phục lãnh sự. HỢP LÝ như thế nào? Người bảo lãnh có mức thu nhập 20 triệu mỗi tháng không thể dành dụm được 1 tỷ để trong tài khoản trong thời gian 1 năm. Hồ sơ chứng minh cho người đi học 3 năm tất nhiên phải có tài chính nhiều hơn người đi học 1 năm, đi cả gia đình tất nhiên cần nhiều tài chính hơn đi 1 người.

 

  • TƯ VẤN GIẢI PHÁP:

Nếu có kế hoạch du học, bạn nên chuẩn bị tài chính từ sớm, thậm chí phụ huynh lên kế hoạch từ 1 đến 2 năm trước và lâu hơn thế. Tiền tiết kiệm nên để từng sổ nhỏ tiết kiệm từ thu nhập, có rõ lịch sử gửi tiền. Với sổ có số tiền lớn thì cần có nguồn gốc như bán nhà, bán xe, bán đồ có giá trị… và nên giữ lại biên lai, hợp đồng. Những hồ sơ bảo lãnh đi cả gia đình cố gắng có nhiều tài sản, thu nhập cao, có sự hỗ trợ từ hai bên gia đình. Nếu bạn chỉ có khả năng bảo lãnh cho 1 người đi du học thì chỉ nên đi trước, và sau này bảo lãnh gia đình sang sau. Vì nếu tài chính chưa đủ mà bạn cố bảo lãnh cho cả gia đình thì tỷ lệ trượt visa là khá cao, lại khó chứng minh được sự ràng buộc quay về.

3.       LƯU Ý 3: Danh mục hồ sơ

Tài chính là 1 trong 2 vấn đề quyết định mấu chốt của bộ hồ sơ xin visa. Phần quan trọng nhất là học lực, mục đích học tập, kế hoạch học tập sau đó sẽ là chứng minh tài chính. Lãnh sự từ chối không chỉ vì tài chính mà họ xem tổng thể bộ hồ sơ để đưa ra quyết định. Các hồ sơ cần chuẩn bị như

- Sao kê tài khoản ngân hàng

- Bằng chứng các nguồn thu nhập của ngưởi bảo lãnh bảo đảm chi trả đủ cho thời gian học tập

Chi tiết các chứng từ, giấy tờ thì khá phong phú, hồ sơ thực tế sẽ cần cụ thể hơn và bạn nên có sự hỗ trợ, tư vấn đúng để có thể hoàn thiện một bộ hồ sơ đúng, đủ và thuyết phục nhất có thể. Lưu ý là thu nhập của người bảo lãnh cho bạn sẽ không giống hàng xóm hay bạn bè bạn; kế hoạch học tập, mục đích học tập, học phí, thời gian học của bạn cũng không giống như “đứa bạn” hay “đứa em” của bạn nên đừng áp đặt hay mượn hồ sơ của người khác để làm ví dụ cho hồ sơ của mình. Có gia đình có thu nhập thấp hơn nhưng họ có nhiều tài sản, đất đai hơn, có nhà có thu nhập cao hơn nhưng lại bảo lãnh cho con du học chương trình dài hơn hoặc đắt hơn… Tóm lại, sẽ chẳng có bộ hồ sơ nào giống với bộ hồ sơ nào và còn tùy thuộc vào viên chức xét hồ sơ cho bạn nữa. Đặc biệt hơn, nếu bị phát hiện hồ sơ là giả mạo, tỷ lệ trượt khá cao và sẽ khó có thể apply lại được visa, thậm chí ảnh hưởng đến hồ sơ của bạn sau này khi bạn apply visa cho các nước khác.

4.       LƯU Ý 4: Quá trình phỏng vấn với lãnh sự

Thông thường, không phải học sinh nào cũng nắm được tình hình tài chính của bố mẹ mình, trong khi chính bản thân học sinh ấy lại phải trả lời phỏng vấn từ phí lãnh sự quán. Và đương nhiên, trong quá trình phỏng vấn, lãnh sự có thể sẽ hỏi rất nhiều và rất kĩ về tài chính du học của học sinh. Lúc này, nếu học sinh thể hiện sự lúng túng hoặc trả lời không khớp với hồ sơ tài chính đã nộp, quyết định KHÔNG CẤP VISA sẽ được đưa ra một cách không thương tiếc!

  • TƯ VẤN GIẢI PHÁP:

Cách tốt nhất, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, bản thân học sinh phải hiểu và nắm rõ hồ sơ tài chính của gia đình mình. Khi trả lời phỏng vấn, học sinh cần trả lời khớp với những giấy tờ đã cung cấp trong hồ sơ. Và với chính sách xét duyệt tài chính chặt chẽ của nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, New Zealand...., các gia đình và học sinh nên nhờ đến các đơn vị dịch vụ du học uy tín để được tư vấn làm hồ sơ, bởi chứng minh tài chính là một trong những thủ tục khá phức tạp.

Ngoài ra, nếu bạn KHÔNG THỂ CHỨNG MINH TÀI CHÍNH, thì bạn nên lựa chọn những quốc gia MIỄN CHỨNG MINH TÀI CHÍNH hiện nay như: Singapore, Canada (chương trình CES), Tây Ban Nha, Thụy Sỹ, Hà Lan.

Trên đây chỉ là một số chia sẻ cơ bản nhất, khi hoàn thiện một bộ hồ sơ thực tế, bạn nên tham khảo thông tin đúng, đầy đủ, chi tiết, có thể tìm đến các công ty tư vấn du học uy tín để được hướng dẫn cụ thể. Hy vọng thông tin hữu ích trên sẽ giúp các bạn chuẩn bị tốt hồ sơ để giảm tỷ lệ trượt visa.

Sưu tầm