MUỐN CÓ PERSONAL STATEMENT CHUẨN, ĐỪNG BỎ QUA NHỮNG LƯU Ý SAU!

Một trong những bước làm các du học sinh phải “lắc đầu ngao ngán” nhất khi làm hồ sơ apply du học là viết Personal statement. Không chỉ dựa vào thành tích học tập và điểm số là đủ, việc này đòi hỏi bạn phải thể hiện một chút gì đó đặc biệt mới gây được ấn tượng. Đây chính là nơi bạn thể hiện : Mình khác biệt gì so với những sinh viên còn lại?

Nhưng làm thế nào để viết được một Personal statement nổi bật? Đây là một số lưu ý của chúng tôi.

Đừng trì hoãn nữa mà hãy bắt đầu luôn từ bây giờ đi

Có một câu nói người ta thường cho là của Mark Twain: “Ăn một con ếch sống mỗi sáng, và sẽ chẳng điều gì tệ hơn xảy đến với bạn trong cả ngày”. Thực sự là Twain không hề nói như vậy, nhưng ý nghĩa của câu nói đó không sai. Làm xong việc bạn cho là khó nhằn nhất, sau đó mọi thứ sẽ trôi chảy hơn rất nhiều.

Vậy nên, thay vì làm hết những phần khác trong form đăng ký rồi để phần Personal statement đến tận deadline mới vội vàng hoàn thành chắp vá, hãy suy nghĩ cách viết ngay từ bây giờ. Ghi chép lại những gì nảy ra trong đầu, nghiên cứu kỹ về trường mà mình định apply, từ đó tìm ra cách tốt nhất để cho họ thấy bạn là một sinh viên tuyệt vời như thế nào nhé!

Đừng hoảng hốt, việc này đâu quá khó!

Nghĩ đến việc phải viết 700-800 từ về bản thân có thể khiến bạn hoang mang, nhưng thực sự như vậy là đâu có dài lắm! 750 từ là khoảng 1 trang rưỡi giấy A4. Hãy hình dung rằng Personal statement của bạn dài bằng khoảng bài viết này, và bạn đã đi được 1/3 qua nó rồi đấy!

Hãy chia nhỏ nó ra thành từng phần

Thay vì viết gần 1000 từ một cách liền tù tì, chia nó ra thành một vài phần nhỏ hơn và viết 1 đến 2 đoạn văn cho mỗi phần. Dù bạn viết về cái gì đi chăng nữa, thành tích học tập hay hoạt động ngoại khóa của bản thân, hãy chắc chắn nó bám sát chủ đề là chương trình bạn muốn theo học.

Ví dụ như nếu bạn đang muốn apply một khóa học về thú y, hãy nói về những công việc tình nguyện đã làm ở một trại nuôi dưỡng chó mèo chẳng hạn. Quan trọng là ở chỗ, bạn có làm cho những điều mình nói trở nên liên quan hay không!

Ngoài ra, hãy xem xét kĩ những điều mà bạn muốn đưa vào – nghĩ xem chúng nói gì về con người bạn? Chúng có tạo nên hình ảnh một sinh viên mẫu mực hay không? Bạn đã học được những kỹ năng nào từ các hoạt động tình nguyện? Hãy làm nổi bật những chi tiết đó, để làm nổi bật hình ảnh con người của bạn.

Đừng có thổi phồng sự thật quá đáng

Bạn có thể nghĩ mình sẽ dễ dàng qua mắt người đọc và thổi phồng những thành tích bản thân để tâng mình lên cao, nhưng thực sự không nên làm vậy. Những người xem xét hồ sơ của bạn đều là các chuyên gia, họ đã đọc rất nhiều những hồ sơ như vậy trước đây rồi, và họ biết thành tích như thế nào là khả thi đối với những người trạc tuổi bạn.

Hãy thể hiện tính cách của mình, chứ không phải của người khác

Đừng sao chép statement của người khác. Đừng lấy mẫu trên mạng hay lấy của bạn bè. Các trường đại học sẽ dùng các công cụ để quét toàn bộ các bộ hồ sơ ứng tuyển và bài của bạn sẽ bị phát hiện nếu nó quá giống của người khác. Chưa đi học mà đã bị bắt phao thì không hay chút nào.

Tìm người đọc lại bài cho mình

Đầu tiên là hoàn thành việc viết statement đã. Để đó 1 hoặc 2 ngày rồi mới đọc lại, và có thể bạn sẽ tìm ra nhiều chỗ muốn sửa đổi, bổ sung đấy. In nó ra đọc thay vì đọc lại trên màn hình máy tính cũng là một ý hay.

Đừng quên kiểm tra chính tả hay ngữ pháp. Bạn có thể sử dụng các công cụ để kiểm tra tích hợp sẵn vào Word, nhưng để chắc chắn, hãy cứ săm soi thật kỹ để bắt được tất cả những sai sót nhé. Kiểm tra lại các từ ngữ mình đã sử dụng, nếu không hiểu thì đừng có dùng nhé. Sai 1 từ, đi 1 dặm.

Khi đã làm xong tất cả những bước trên, hỏi một ai đó, hoặc một vài ai đó để đọc lại bài của bạn. Hãy tiếp thu những ý kiến của họ. Bạn bè, người thân, thầy cô, ai cũng được, miễn là họ hiểu được personal statement cần phải như thế nào.

Nói chung là chỉ đơn giản như vậy thôi. Hãy nghĩ xem tại sao bạn chọn học chương trình này, thể hiện điều đó với cán bộ tuyển sinh của nhà trường trước buổi phỏng vấn. Cố lên, ăn hết con ếch ấy đi!