8 LĨNH VỰC NGÀNH NGHỀ ĐƯỢC TỰ DO DI CHUYỂN TRONG KHỐI AED

AEC ( ASEAN Economic Community ) là cộng đồng kinh tế của 10 quốc gia thành viên (Brunei, Cam-pu-chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) được chính thức thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015. Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập là để thực hiện mục tiêu cuối cùng của hội nhập kinh tế trong "Tầm nhìn ASEAN 2020", nhằm hình thành một khu vực kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng và có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóadịch vụđầu tư sẽ được chu chuyển tự do và vốn được lưu chuyển tự do hơn, kinh tế phát triển đồng đều, đói nghèo và chênh lệch kinh tế-xã hội được giảm bớt vào năm 2020.  

Theo thỏa thuận trong khuôn khổ AEC, 8 lĩnh vực ngành nghề được tự do di chuyển bao gồm nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch. Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng kèm theo yêu cầu lao động phải qua đào tạo và nếu thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh sẽ được di chuyển tự do hơn.

Dẫn phát biểu của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ TPHCM tại hội thảo “Hội nhập ASEAN trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp – cơ hội và thách thức” do Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tại TPHCM ngày 24/12 cho biết, việc quy hoạch đào tạo theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, nay không còn phù hợp mà phải gắn với nhu cầu nhân lực của xã hội luôn biến động theo quy luật cung-cầu.

Bà Hằng cho rằng nếu đào tạo không tuân thủ quy luật cung-cầu thì hiện tượng vừa thiếu vừa thừa lao động như hiện nay là điều không tránh khỏi. Do đó, trong thời gian tới, cần xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực để đặt hàng cho các cơ sở đào tạo nghề và quy hoạch lại các cơ sở dạy nghề phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội.

Để giải quyết những hạn chế về nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020.

Theo Tiến sĩ Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (Tổng cục Dạy nghề), các giải pháp trong Đề án này tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới…

Đáng chú ý, Đề án này đề cập đến giải pháp triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo khung tham chiếu ASEAN đã được phê duyệt; thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ thống chuyển đổi tín chỉ, thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới. Đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo các lĩnh vực trong 8 lĩnh vực nghề nghiệp đã được ASEAN thỏa thuận.